Chắc chắn đây là một vấn đề gây tranh cãi trong bóng đá hiện đại. Vấn đề đặt ra là khi nào bóng chạm tay được coi là “lỗi dùng tay chơi bóng” (handball) và khi nào thì không có penalty?

Phút thứ 105 trong hiệp phụ trận tứ kết giữa Đức vs Tây Ban Nha, Jamal Musiala có pha dứt điểm từ ngoài vùng cấm, nhưng bóng bị Cucurella cản lại. Các cầu thủ Đức yêu cầu một quả penalty vì cho rằng có lỗi chạm tay, tuy nhiên trọng tài Anthony Taylor đã bác bỏ. Trọng tài VAR, Stuart Attwell, cũng đã kiểm tra nhưng xác định không có tình huống phạt đền.
Lần thứ hai liên tiếp tại Euro 2024 tuyển Đức trải qua những quyết định liên quan đến tình huống bóng chạm tay đối thủ trong vùng cấm địa, cả hai đều có Stuart Attwell làm trọng tài VAR. Một tình huống dẫn đến phạt đền (trong trận đấu trước Đan Mạch ở vòng 16 đội), còn tình huống ở tứ kết mới đây thì không. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu và tại sao lại có sự khác biệt này?
Cụ thể, hãy xét đến tình huống đầu tiên ở vòng 16 đội, khi tuyển Đan Mạch bị thổi phạt đền do bóng chạm tay của Joachim Andersen sau quả tạt của David Raum.
Dale Johnson, cây bút chuyên phân tích và diễn giải Luật Bóng đá trên ESPN, cung cấp thông tin như sau: UEFA quy định rằng nếu cánh tay giơ cao (hoặc ngang vai) tạo thành vật cản để ngăn bóng, và tư thế này không thể lý giải là trạng thái tự nhiên của cơ thể, thì bấy giờ trọng tài chính và/hoặc trọng tài VAR nên đề xuất một quả penalty.

Dale Johnson thông tin thêm: Trong buổi họp báo trước giải đấu, Roberto Rosetti, Trưởng Ban Trọng tài UEFA, đã đưa ra các ví dụ cụ thể về các tình huống thổi penalty do lỗi dùng tay chơi bóng. Rosetti đã chiếu một video clip về tình huống bóng chạm tay của hậu vệ với cánh tay thả xuống theo chiều dọc và gần thân người. Rosetti nói rằng tình huống này không nên thổi penalty: Nếu cánh tay đặt gần thân người, không dang ra để tạo thành vật cản thì không nên bị thổi phạt.

Tình huống mà Rosetti lấy làm ví dụ có nhiều nét tương đồng với tình huống của Cucurella. Dale Johnson cho rằng mặc dù các quy định về lỗi dùng tay chơi bóng tại các giải đấu của UEFA vẫn rất khắt khe, tuy nhiên UEFA cũng đã tìm cách nới lỏng một số quy định để các hậu vệ không cần phải nhất thiết giữ cánh tay sau lưng khi cố gắng chắn các pha dứt điểm/đường chuyền trước mặt của đối phương. Do đó, một hậu vệ đang đứng yên khi bóng chạm vào cánh tay ở gần hoặc sát người anh ta, với cánh tay duỗi thẳng và/hoặc ở phía sau thân người thì không nên bị thổi phạt.
Ở tình huống của Andersen, bóng chạm vào cánh tay cầu thủ này từ khoảng cách tương đối gần, với lực tiếp xúc tối thiểu trong khi lại đang di chuyển. Theo Dale Johnson, quyết định thổi penalty ở tình huống này có vẻ khó chấp nhận hơn so với việc thổi penalty trong tình huống của Cucurella, song nếu chiếu theo quy định của UEFA thì Andersen đã biến cơ thể thành vật cản bóng ở trạng thái không tự nhiên.
Nguồn: Le foot