02/05/25, 22:07:15
28 C
Hanoi

MỔ XẺ PHA CỨU THUA NGOẠN MỤC PHÚT 95 CỦA MERT GUNOK TRƯỚC ÁO

Tính đến thời điểm này của Euro 2024, với nhiều người, đấy có thể coi là pha cứu thua hay nhất giải đấu.

Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang dẫn trước Áo 2-1 ở vòng 16 đội Euro 2024 vừa qua, đội bóng của Ralf Rangnick dồn toàn lực tìm kiếm bàn gỡ, thủ thành Mert Gunok của Thổ Nhĩ Kỳ đã có một pha cứu thua khó tin.

Là một cựu thủ thành chuyên nghiệp từng chơi bóng ở Mỹ và Thụy Điển, cũng như hiện tại đang là HLV thủ môn, Matt Pyzdrowski đã đưa ra những phân tích dưới góc nhìn của một người làm nghề về pha cứu thua ấy của Mert Gunok. Hãy cùng đến với những đánh giá sau đây của Matt Pyzdrowski trên The Athletic!

“Pha cứu thua này gợi tôi nhớ đến pha bay người huyền thoại của Gordon Banks trước cú đánh đầu của Pele trong trận đấu giữa Anh và Brazil ở World Cup 1970. Và tôi không hề cường điệu hay nói quá khi cho rằng đây là một trong những pha cứu thua hay nhất mà bản thân từng được chứng kiến.

Cách Gunok di chuyển ngược trở lại, đổi người trước mặt khung thành và đẩy quả bóng nảy lên trên mặt sân trơn trượt dưới điều kiện thời tiết mưa lớn, vào một thời khắc quan trọng như vậy, quả là kinh ngạc.

Pha cứu thua của Gunok thể hiện bản năng phán đoán được rèn luyện qua hàng giờ luyện tập chăm chỉ và có tính nhất quán. Các động tác di chuyển và phối hợp nhịp nhàng của cơ thể để bay người về đúng hướng bóng chỉ có thể đạt được nhờ vô số giờ miệt mài rèn luyện trên sân tập; đó là kết quả của việc cậu ấy liên tục tự đặt mình vào đúng vị trí, tại đúng thời điểm. Pha cứu thua này không phải may mắn, mà là thành quả của quá trình luyện tập nghiêm túc.

Khi đường chuyền bổng đưa quả bóng cao lên không trung, Gunok ở vị trí cột gần trước tiên xoay người, sau đó thực hiện 3 bước chéo chân nhanh nhẹn ngang qua khung thành hướng đến cột xa, trong khi vẫn giữ đầu và mắt tập trung vào quả bóng đang bay trên không. Điều này rất quan trọng, bởi trong tích tắc, nó giúp cậu ấy phán đoán được đường bay và quỹ đạo của bóng, đồng thời dự đoán điểm đến cuối cùng của bóng. Nếu Gunok do dự dù chỉ một khắc, thì đó sẽ là bàn thắng dành cho Áo, buộc trận đấu phải bước vào hiệp phụ.

Chỉ trong chốc lát, Gunok nhận ra đường chuyền bổng ban đầu không phải tình huống mà bản thân có thể lao ra cản phá hoàn toàn trên không. Cậu ấy nhanh chóng lia mắt quét qua khu vực trước mặt, và phát hiện Baumgartner đang không bị ai kèm ở cột xa. Khi quả bóng vẫn lơ lửng trên không trung, Gunok quyết định đảo mắt khỏi bóng và hướng đến điểm chạm dự kiến của Baumgartner.

Thoạt nhìn, việc thủ môn rời mắt khỏi bóng có vẻ bất thường, nhưng đây chính là yếu tố then chốt giúp Gunok thực hiện pha cứu thua này.

Bằng cách dự đoán điểm chạm, Gunok cho phép bản thân có thể quan sát toàn bộ quỹ đạo bay của bóng, giữ cho đôi chân gần như tiếp xúc liên tục với mặt đất và tính toán thời gian di chuyển chính xác, giúp cậu ấy có tư thế sẵn sàng tại thời điểm can thiệp vào tình huống. Nếu Gunok cứ tập trung nhìn vào bóng và cố gắng phản ứng với cú đánh đầu sau khi đối phương đã tiếp xúc bóng, rất có thể cậu ấy sẽ không kịp với tới bóng, ngay cả với phản xạ xuất sắc của mình.

Thông tin trước mặt Gunok (tốc độ đường tạt bóng, quỹ đạo bóng đập đất nảy lên, hình dáng mở thân người để bật lên đánh đầu của Baumgartner) nói cho cậu ấy biết rằng điểm đến có khả năng cao nhất của quả bóng là quay trở lại theo hướng cũ, tức về phía cột gần. Do thời gian phản ứng hạn chế, Gunok buộc phải sử dụng bước di chuyển ngắn hơn (thay vì bước chân tiến về phía trước theo kiểu truyền thống), vì cậu ấy không còn đủ thời gian hoặc khoảng cách để thực hiện động tác sải chân rộng hơn sang phải. Thay vào đó, Gunok phải gập chân phải, chủ yếu dùng lực chân trái để đẩy cơ thể bay về phía bóng.

Trong lúc quả bóng từ đầu Baumgartner hướng về phía khung thành, Gunok kẹp chặt chân phải để lấy đà và bật người sang phải với lực tối đa, tận dụng chiều cao 1m96 để đẩy bóng ra khỏi cột dọc. Khả năng tạm thời thu giãn chân linh hoạt trong thời khắc quyết định đã giúp cậu ấy điều chỉnh bộ pháp kịp thời, dự đoán được quỹ đạo bóng trở lại cột xa và thực hiện pha cứu thua không tưởng.

Yếu tố khiến pha bóng thêm phần khó khăn đối với Gunok chính là cách thức quả bóng nảy khỏi đất hướng tới khung thành.

Khi bóng bật trước mặt thủ môn, quỹ đạo của nó trở nên khó lường hơn do có thể thay đổi về hướng và độ cao bất ngờ sau cú nảy. Trong những tình huống này, thủ môn thường cần thực hiện 2 động tác – đây cũng là lý do lớn khiến việc cản phá những cú sút bật trúng người hoặc những cú đánh đầu như của Baumgartner trở nên khó khăn. Hai động tác đó là: đầu tiên hạ thấp trọng tâm, cúi người xuống thấp để phản ứng với một pha dứt điểm tầm thấp; và sau đó bật lên trong trường hợp bóng nảy khỏi đất. Tất cả thao tác này phải được thực hiện trong lúc di chuyển cơ thể sang ngang và về phía trước để đổ nghiêng cơ thể ra sau cản phá bóng.

Việc canh thời gian chính xác và tạo ra bức tường vững chắc phía sau quả bóng đã là kỹ năng khó gay cả khi bạn nắm bắt được diễn biến của trận đấu. Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi hướng đi của bóng thay đổi trong lúc hướng về phía khung thành. Đây là lúc đòi hỏi sự tập trung và phán đoán thời điểm chính xác của một thủ môn.

Rất khó để đo lường mức độ khó khăn trong pha cứu thua này của Gunok. Từ đó, nó cho thấy kỹ thuật và sức mạnh của cậu ấy. Lực đẩy từ chân trụ và tốc độ phản xạ của Gunok vượt qua mọi dự đoán, giúp cậu ấy với tới được quả bóng mà tưởng chừng như không thể.

Phản ứng ăn mừng đầy cảm xúc của Gunok sau pha cứu thua và những biểu cảm không lời của các cầu thủ Áo sau khi không thể gỡ hòa, đã thay cho bất kỳ miêu tả nào về sự xuất sắc của cậu ấy trong pha bóng đó.

Những pha cứu thua cũng giống như nhưng bàn thắng ở chỗ, ý nghĩa và thời điểm diễn ra sẽ quyết định tầm quan trọng của chúng. Nói cách khác, giá trị của một pha cứu thua phụ thuộc vào bối cảnh và ý nghĩa của trận đấu.

Nếu pha cứu thua của Gunok diễn ra ở một thời điểm khác, trong một trận đấu với tính chất khác, có thể nó sẽ không được nhớ tới. Tuy nhiên, vì nó diễn ra ở những phút bù giờ, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giành quyền vào tứ kết hoặc bị loại khỏi giải đấu, có thể là sau hiệp phụ hoặc loạt sút luân lưu, thế nên pha cứu thua này trở nên đặc biệt quan trọng.”

Nguồn: Le foot

Hot this week

Topics

spot_img

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img